Rất nhiều khách hàng thắc mắc có nên đeo mặt phật phong thủy hay không?? Và sợ rằng bị phạm khi đeo ở tay và làm những công việc bình thường. An Nhiên xin tiếp của phần 1 để giải thích rõ hơn cho các bạn hiểu rõ khi đeo mặt phật và những điều cần lưu ý.
>>> Những điều cần lưu ý khi đeo tượng phật (phần 1)
“Có nên đeo dây chuyền , vòng tay mặt Phật không?”
Trong những dòng tâm sự của bạn, tôi xin trích dẫn ra những gì khúc mắc chính đáng sau đây mà tôi sẽ giải đáp vì liên quan đến Phật pháp:
– Do nóng giận gây nghiệp khẩu nên đeo dây chuyền, vòng tay tượng Phật để đối trị “để giúp con có thêm nghị lực để tự kiềm chế mình, hạn chế không gây tạo thêm nghiệp xấu.”?
– Sợ mang tội khi đeo dây chuyền ấy vào chốn dơ uế vì có một pháp liệu nào đó đã khuyến cáo như vậy.?
Theo thỉnh nguyện của bạn tôi trả lời như sau:
Tôi muốn hỏi bạn: “Sợi dây chuyền mặt Phật là gì? Có phải là Đức Phật không? Nếu thực sự là Đức Phật có giúp bạn giảm hoặc hết tính sân si không? Có giúp bạn thêm nghị lực để tự kiềm chế mình không? Có giúp bạn không gây tạo nghiệp xấu không?
Nên hiểu, Đức Phật dạy trong kinh Di giáo : “Hãy tự nương tựa vào bản thân mình, không dựa vào ai khác. Hãy thắp lên mà đi với ngọn đuốc chánh pháp, không phải phi pháp”. Vậy, chuyển hóa tâm là do tự lực của mình không phải dựa vào người khác dù đó là Đức Phật. Nay trò dựa vào “sợi dây chuyền hay vòng tay mang mặt Phật” mà muốn có kết quả thì chẳng khác gì “nấu cát thành cơm”.
Nếu thực sự mấy sợi dây chuyền mang mặt Phật có tác dụng như vậy chúng ta chẳng cần tu tập làm gì chỉ đeo vào là đủ!?
Từ đây suy ra, trò nhầm lẫn mục đích sử dụng “trang sức tâm linh” là “phương tiện tâm linh”. Trong những phương tiện tâm linh của sự hành trì giáo pháp Phật đà, không có nhắc đến đeo dây chuyền mặt Phật.
Đã không phải là phương tiện tâm linh thì không có tác dụng tâm linh, đã vậy thì lấy đâu ra lỗi hoặc không lỗi?
- Đã là “trang sức tâm linh” thì chỉ mang tác dụng thời trang, không liên quan gì đến hoạt động tâm linh (giáo luật, giáo nghi, giáo quy…). Từ đây bạn suy ra có lỗi hay không? Còn bạn bảo rằng có pháp liệu nào đó khẳng định đeo mang ở những chỗ không sạch sẽ thì có tội, vui lòng trích dẫn từ kinh nào, sách nào, ai viết, ai nói? Ngay khi trích dẫn từ quyển kinh, cuốn sách Phật giáo cũng chưa hẳn tin ngay vì có loại “kinh giả”, “sách dỏm”. Cho nên phải dùng lăng kính Phật môn là “tứ pháp ấn”, “tứ y cứ” chiếu soi mới có thể xác quyết. Ngoài ra, nếu họ là hòa thượng tiến sĩ, pháp sư hòa thượng, đại đức tăng ni… Xin lỗi, chẳng phải là luận cứ vững chắc vì Phật đã khuyến cáo tinh thần ấy trong kinh “Những người Kalama”.
- Còn bây giờ, tôi trích dẫn pháp liệu có nguồn gốc rõ ràng là “Tâm kinh Bát nhã Ba la mật đa” đã dạy: “Không dơ, không sạch, không tăng, không giảm” là bản tâm bất nhị, chân như của Đức Phật và Thánh chúng. Vậy thì có ngăn ngại gì chỗ sạch chỗ dơ chăng, nếu bạn tin đó là Phật, Bồ tát? Đã vậy làm sao trò có tội?
Nếu có tội, thì tội trầm trọng nhất của trò là mê tín dị đoan, tin lời xằng bậy, dùng “thời trang tâm linh” làm “phương tiện tâm linh”.
Bản thân bạn đầy sân nộ, không chịu quán chiếu tác hại của nó mà quy y đầu Phật, nương nhờ thiện tri thức chỉ bày phương tiện tâm linh để chuyển hóa tâm, mà dễ tin vào sợi dây chuyền vô tri vô giác ấy mang lại tác dụng tâm linh. Điều này chẳng khác gì lau bên ngoài cái chậu làm sao làm sạch bên trong?
Cuối cùng tôi khuyên bạn nên đúc một tượng Phật trong tâm mình, tức là quy y Phật, đọc giáo điển, hành giáo pháp, rồi sau đó cảm niệm ân đức từ bi và trí huệ bất nhị của Ngài; luôn nghĩ đến lời Phật dạy, việc Phật làm, câu Phật nói mà y giáo phụng hành. Bấy giờ trò không mang sợi dây chuyền mặt Phật mà cũng luôn có Phật bên người. Còn bây giờ tuy trò không rời sợi dây chuyền mang mặt Phật nhưng trò cách xa Đức Phật ngàn trùng. Dầu trò đeo 200 năm cũng chẳng tác dụng gì, ngoài vẻ đẹp thời trang tôn giáo.
( trích dẫn từ câu trả lời của thầy Nguyên Thành)
Hện nay các kiến thức về tôn giáo đang bị biến tướng trầm trọng dưới mọi sự truyền đạt tam sao thất bản từ rất nhiều người không có kiến thức ko có tu tập, mong quí vị lưu ý rõ phân biệt đâu là chánh pháp, Phật pháp không phải là mê tín dị đoan !